1. Quy hoạch vùng sản xuất
Trà Vinh là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp trồng cây ăn quả nói chung và lĩnh vực trồng thanh long ruột đỏ nói riêng. Nơi đây có những vùng đất đồng bằng màu mỡ cùng với hệ thống sông ngòi dầy đặc giúp cho việc trồng và chăm sóc cây của người nông dân được thuận lợi hơn.
Dù còn nhiều hạn chế từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nhưng Trà Vinh là vùng trồng thanh long có rất nhiều tiềm năng cần được tập trung phát triển. Giá trị kinh tế cao và nhiều lợi ích về giải quyết việc làm nông thôn nhàn rỗi, phù hợp để sản xuất trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Vấn đề là chúng ta cần có kế hoạch tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, an toàn thực phẩm, dễ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo cung ứng quanh năm.
Song song với hoàn thiện khâu tổ chức sản xuất, cần tổ chức liên kết hộ gia đình, các nhóm nông dân dạng tổ hợp tác hoặc hợp tác xã tại các địa phương để có nguồn lực cơ sở hạ tầng và vốn phục vụ sản xuất bao gồm nhà kho bảo quản, đóng gói, công nghệ sơ chế,…
Triển khai mô hình sản xuất cây ăn trái trên diện rộng theo GAP (VietGAP hoặc GlobalGAP) cho đại bộ phận nhà vườn do sản phẩm hữu cơ đang ngày càng trở thành một xu hướng ưa thích trên thị trường.
Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm cũng như cung cấp chính xác các thông số về “hàng rào kỹ thuật” để đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính như Mỹ, EU,…
Đa dạng sản phẩm thanh long qua chế biến thay vì chỉ tiêu thụ trái tươi, chín như hiện nay góp phần giải tỏa áp lực tiêu thụ trái trong những lúc dư thừa và còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho thanh long như bột thanh long, kem thanh long, tương thanh long, mỳ tôm thanh long, rượu,…
2. Giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại
Qua kết quả khảo sát cho thấy tình trạng nông hộ đang gặp phải là “được mùa nhưng mất giá”, thanh long trong tỉnh hiện chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chỉ mua theo thời vụ; tiêu thụ chủ yếu thông qua cơ sở thu mua Vạn Phát Thành (ấp Chợ, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long) và một số thương lái thu về bán lại cho các công ty, doanh nghiệp tại các tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận. Do đó, cần thành lập tổ liên kết sản xuất trực tiếp để ký hợp đồng với công ty xuất khẩu.
Tổ chức nghiên cứu thị trường, nhu cầu tiêu thụ thanh long trong từng thời điểm của thị trường thế giới để có thể tổ chức sản xuất rải vụ, tránh được cung vượt cầu, làm giá giảm.
Xây dựng thương hiệu cho thanh long Trà Vinh, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm chuyên ngành thực phẩm trong và ngoài nước ngoài nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long.
Kết luận
Thanh long là một cây trồng có giá trị kinh tế đang được tỉnh đầu tư phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn. Có thể nói, điều kiện tự nhiên (khí hậu, đất đai, nguồn nước) cơ bản là phù hợp cho sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao nên thanh long ngày càng trở thành đối tượng chủ lực giúp nông hộ thoát nghèo, tăng thu nhập vươn lên giàu có. Qua kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp về quy hoạch và xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu,… Nhìn xa hơn trong chiến lược phát triển nông nghiệp, tiềm năng phát triển cây thanh long còn rất lớn, nhưng phát triển thế nào để lĩnh vực sản xuất này được bền vững là vấn đề rất đáng quan tâm. Nhìn chung, xu hướng tiêu dùng sản phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ, ngày càng tăng trong tương lai là yếu tố thuận lợi trong việc giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm.