Trà Vinh tập trung phát triển các cây ăn trái mũi nhọn
Trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều chính sách giúp người dân chuyển đổi cây trồng, sản xuất nông nghiệp gắn liền với tiến bộ khoa học tiên tiến. Trong đó, tỉnh Trà Vinh tập trung phát triển các loại cây ăn trái mũi nhọn phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, gồm: Xoài, thanh long ruột đỏ, nhãn, chuối, cam, bưởi da xanh, dừa sáp, dừa uống nước, dưa hấu hữu cơ, chuối cau đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap…, tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú và Tiểu Cần.
Xoài Châu Nghệ
Đây là trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh nhờ chất lượng thơm ngon, vị ngọt, trái to, trọng lượng từ 400 – 500 gr/trái. Xoài Châu Nghệ cho thu hoạch từ 2 đến 3 đợt trong năm, do đó hạn chế được tình trạng dư cung. Xoài Châu Nghệ được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với Hội làm vườn tỉnh và Viện cây ăn quả miền Nam tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc xoài Châu Nghệ theo tiêu chuẩn VietGap. Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh cũng mở các lớp tập huấn giúp người dân có thêm kiến thức về quy trình kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp. Đồng thời hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và tìm hiểu về thông tin thị trường, thị hiếu tiêu dùng.
Trái dừa sáp
Trái dừa sáp của tỉnh Trà Vinh được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng nhờ được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, thân thiện với môi trường sinh thái. Trái dừa sáp cho cơm dày và mềm dẻo.
Dừa sáp Cầu Kè tỉnh Trà Vinh
Diện tích trồng dừa tỉnh Trà Vinh năm 2020 đạt 22 nghìn ha, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng đạt 321 nghìn tấn. Cây dừa được trồng chủ yếu ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh. Người dân Trà Vinh sản xuất dừa thâm canh nhằm tạo nguồn cung chất lượng, ổn định phục vụ nhu cầu tiêu thụ, chế biến tại thị trường nội địa và xuất khẩu bền vững.
Để khai thác hết giá trị và tiềm năng phát triển của trái dừa, tỉnh Trà Vinh tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị nhằm giúp người dân sản xuất và tiêu thụ trái dừa và sản phẩm từ dừa.
Ngoài trái dừa tươi, tỉnh Trà Vinh cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm chế biến từ dừa như: lá, xơ, yếm, hoa, sọ… Đây là nguồn nguyên liệu chính phục vụ cho ngành nghề thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm và than hoạt tính xuất khẩu.
Thời gian tới, tỉnh Trà Vinh tiếp tục chú trọng phát triển chuỗi sản xuất nâng cao hơn nữa từ trái dừa, đầu tư công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm từ dừa có giá trị kinh tế, như: cơm dừa chế biến ra nước cốt dừa; cháo dừa; nước dừa đóng hộp… nhằm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn như Mỹ, châu Âu.
Hiện toàn tỉnh Trà Vinh có 89 nghìn hộ dân trồng dừa, chiếm 40% tổng số hộ trong khu vực nông thôn, thu nhập 30 – 45 triệu đồng/ha. Nhận thấy tiềm năng phát triển ngành dừa rất lớn, tỉnh Trà Vinh khuyến khích người dân mở rộng diện tích canh tác theo hướng VietGap. Phấn đấu đến năm 2030, diện tích cây dừa trên địa bàn tỉnh đạt 25 nghìn ha, năng suất 17 tấn/ha, sản lượng đạt 357 nghìn tấn.
Thanh long ruột đỏ
Thanh long ruột đỏ là loại trái cây được người tiêu dùng ưa chuộng, tiềm năng xuất khẩu và giá trị kinh tế mang lại rất lớn. Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi đất trồng lúa, đất vườn tạp sang trồng thanh long ruột đỏ.
Nhờ hiệu quả kinh tế cao, người dân tỉnh Trà Vinh có xu hướng mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ. Diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đạt gần 400 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành và Càng Long.
Hiện 80% thanh long ruột đỏ của tỉnh Trà Vinh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu thanh long ruột đỏ của tỉnh Trà Vinh sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Do đó, tỉnh Trà Vinh đã tăng cường tuyên truyền cho người dân tạm ngưng mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ. Đồng thời, tỉnh cũng đã phối hợp với ngành công nghiệp xây dựng một số mô hình trồng các loại cây thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch
Trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều chính sách giúp người dân chuyển đổi cây trồng, sản xuất nông nghiệp gắn liền với tiến bộ khoa học tiên tiến; Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới; Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế hộ quy mô lớn để ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh kêu gọi và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Mặt hàng rau quả Việt Nam nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng đang có cơ hội lớn khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Đây được coi là lợi thế cạnh tranh và cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng nông sản. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu, ngành hàng rau quả Việt Nam cần phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo quản sau thu hoạch.