Trà Vinh phát triển kinh tế đô thị của tỉnh

Trà Vinh phát triển kinh tế đô thị của tỉnh

Hiện tại, Trà Vinh có trên 01 triệu dân, có 12 đô thị: 01 đô thị loại II (thành phố Trà Vinh), 02 đô thị loại IV (thị xã Duyên Hải, thị trấn Tiểu Cần mở rộng) và 09 đô thị loại V (các thị trấn còn lại thuộc huyện). Dân số đô thị khoảng 297.941 người, hiện đô thị hóa đạt 29,52%. Với tiềm năng và thế mạnh, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đã tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng và hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế đô thị. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện cơ cấu kinh tế như: giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ trong GRDP. Trong đó, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đô thị của thành phố Trà Vinh chiếm 14,7%, thị xã Duyên Hải chiếm 70,38%, thị trấn Tiểu Cần mở rộng chiếm 61,36%. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp còn 40%, trong đó tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của thành phố Trà Vinh 86,26%, thị xã Duyên Hải 49,8%, thị trấn Tiểu Cần mở rộng 78,1%. 

Chính quyền địa phương đang tập trung đầu tư để thành phố Trà Vinh trở thành thành phố văn minh, xanh – sạch – đẹp, mở rộng diện tích thành phố Trà Vinh đạt chuẩn thành phố thuộc tỉnh; thị xã Duyên Hải đạt các tiêu chí đô thị loại IV và phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III; huyện Tiểu Cần đủ điều kiện lên thị xã; xã Dân Thành, xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải) được công nhận phường; các thị trấn tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V, riêng thị trấn Cầu Ngang và Càng Long phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại IV.

Thời điểm Trà Vinh được tái lập (5/1992), hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô vẫn còn nghèo nàn và kém phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ huy động nhiều nguồn lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị từng bước cải thiện, đồng bộ và rõ nét trong phát triển đô thị. Đầu mối về giao thông đạt cấp vùng liên huyện – tỉnh, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt trên 10%, đất giao thông so với đất xây dựng đạt trên 15%, cấp điện sinh hoạt đạt 700kWh/người/năm, đường phố chính được chiếu sáng đạt trên 95%, đường khu nhà ở, ngõ xóm trên 80%, cấp nước sinh hoạt đạt trên 120 lít/người/ngày đêm, hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh trên 95%; số thuê bao internet đạt trên 20 thuê bao/100 dân, phủ sóng thông tin di động trên dân số trên 95%…

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 và xu thế phát triển chung, thì hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là giao thông, chưa đảm bảo nhu cầu vận tải, vận chuyển kết nối các vùng đô thị, khai thác vị thế, tiềm năng chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống của cộng đồng dân cư.

Việc thu hút đầu tư và củng cố các động lực phát triển kinh tế đô thị còn hạn chế; các dự án phát triển nhà ở, sản xuất, công nghiệp, du lịch chưa được quan tâm đẩy mạnh mời gọi đầu tư; một số công trình, dự án trọng điểm triển khai chậm tiến độ. Mặt khác, nhu cầu đầu tư của thị trường và phát triển bền vững cho kinh tế đô thị gặp nhiều khó khăn, phát triển kinh tế đô thị chưa tập trung theo chiều sâu, năng suất sử dụng đất còn thấp, chưa tạo được cơ hội phát triển toàn diện; hạ tầng, tiện ích, dịch vụ, lực lượng đô thị còn hạn chế ảnh hưởng tăng trưởng, giảm năng suất lao động, việc làm, kinh tế đô thị.

Do vậy, phát triển kinh tế đô thị của tỉnh lấy mục tiêu con người làm trọng tâm, hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo liên kết vùng là phù hợp, kịp thời. Theo đó, triển khai thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, ngành, lĩnh vực với định hướng hiệu quả về phát triển kinh tế đô thị. Khuyến khích đầu tư theo định hướng chuyển dịch cơ cấu, phát triển đô thị, phát huy lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế tư nhân.

Song song đó, đầu tư cho phát triển con người, bao gồm năng lực, trình độ chuyên môn của Nhân dân và người lao động, xem đây là yếu tố then chốt, mục tiêu cho phát triển. Phát triển kinh tế đô thị gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư đô thị, từng bước tăng mức sống của người dân cũng như tăng năng suất lao động và giá trị thu nhập. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tập trung phát triển các loại hình sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, trung tâm thương mại, giải trí, nghỉ dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, du lịch ở thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải, thị trấn Tiểu Cần mở rộng.

Nhằm thực hiện đạt mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh, lập mới các quy hoạch xây dựng, đô thị, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo hướng đô thị hóa thông minh từ cấp thị tứ, thị trấn, thị xã đến thành phố trực thuộc tỉnh; bảo đảm thống nhất tích hợp và phù hợp định hướng quy hoạch làm cơ sở cụ thể hóa chương trình, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế đô thị đảm bảo các tiêu chí cho 03 đô thị trọng tâm, định hướng phát triển đồng bộ với quy hoạch; trong đó, bổ sung quy hoạch các đô thị vệ tinh của thành phố Trà Vinh, hình thành các đô thị ven biển và khu công nghiệp theo hướng thông minh, thí điểm hình thành các đô thị du lịch biển ở các xã đảo; phát triển các công trình lấn biển; tăng cường quản lý quy hoạch, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Trà Vinh thành đô thị thông minh, văn minh, xanh – sạch – đẹp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Share:

Author: SNN Tra Vinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *