Trà Vinh tập trung phát triển nền sản xuất nông nghiệp sạch.
Hiện nay không khó để nhận ra các tác hại của việc quá lạm dụng các chất hóa học vào trong sản xuất nông nghiệp. Đó là tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường. Số ca mắc các bệnh hiểm nghèo liên quan đến ung thư ngày càng gia tăng. Do đó việc phát triển, mở rộng các mô hình nông nghiệp sạch chính là phương pháp an toàn bảo vệ sức khỏe của con người.
Tại Trà Vinh, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sạch, hàng hóa nông sản của tỉnh đủ sức cạnh tranh trên thị trường, giúp nông dân sản xuất bền vững và tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Theo Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một dự án nông nghiệp sạch cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Dự án thực hiện tại cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông – lâm – thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; Dự án của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định; Dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP; Dự án đầu tư mới vào sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương (VietGAP, GlobalGAP,…). Như vậy có thể thấy được rằng để theo đuổi mục tiêu xây dựng và phát triển nền nông nghiệp sạch, chính quyền và người dân Trà Vinh dần tuân theo những tiêu chí nhất định để có thể hoàn thành mục tiêu đó.
Cụ thể, mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2025, phấn đấu xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 300 ha trở lên; quy hoạch vùng trồng lúa hữu cơ đạt chuẩn quốc tế 1.000 ha; toàn tỉnh có ít nhất 5% diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với thu nhập tăng từ 50% trở lên trên cùng một diện tích.
Định hướng đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đưa vào hoạt động hiệu quả ít nhất 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để thực hiện đạt mục tiêu, tỉnh khẩn trương quy hoạch vùng, khu và nông sản xuất chủ lực, đẩy mạnh hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ quy mô lớn để ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tỉnh sẽ thực thi các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực; trong đó, ưu tiên xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Công nghệ sinh học trực thuộc Trường Đại học Trà Vinh. Đồng thời, tỉnh sẽ hình thành 3 trung tâm giống tổng hợp cây trồng vật nuôi ở 3 vùng nước mặn, ngọt, lợ.
Tỉnh Trà Vinh có hơn 180.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, có 74.000 ha đất sản xuất 3 vụ lúa trong năm, hơn 26.000 ha trồng màu, cây công nghiệp và hơn 35.000 ha nuôi trồng thủy sản. Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới xây dựng được 142 ha sản xuất rau an toàn, 100 ha lúa và 100 ha vườn cây ăn trái được chứng nhận VietGAP. Tất cả đó là kết quả của cả một quá trình phối hợp giữa chính quyền địa phương và hộ sản xuất đã phấn đấu từng bước hoàn thiện, hướng tới mục tiêu phát triển nền sản xuất nông nghiệp sạch tại địa phương.