Tiềm năng, thách thức và cơ hội phát triển nông nghiệp, nông thôn Trà Vinh

Tiềm năng, thách thức và cơ hội phát triển nông nghiệp, nông thôn Trà Vinh

Kể từ khi tái thành lập tỉnh đến nay, kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng kể, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010): Tính đến năm 2019 là 28.157 tỷ đồng, tăng gấp 37,5 lần so với năm 1992 (năm 1992 là 751,5 tỷ đồng), cơ cấu kinh tế nội ngành có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 73,23% năm 1992 xuống còn 61,20% năm 2019, lâm nghiệp từ 2,94% năm 1992 xuống còn 1,87% năm 2019, thủy sản từ 23,83% tăng lên 36,93%; Giá trị sản phẩm thu được trên 01 hécta năm 2019 đối với diện tích đất trồng trọt là 130 triệu đồng và đất mặt nước nuôi trồng thủy sản là 350 triệu đồng, tăng so với năm 1992 lần lượt là 28,9 lần và gần 13 lần; Thu nhập bình quân trên người dân khu vực nông thôn tăng từ 0,6 triệu đồng năm 1992 lên 31,5 triệu đồng năm 2019, cụ thể từng lĩnh vực như sau:

– Trồng trọt là ngành sản xuất chính của tỉnh chiếm tỷ trọng lớn cả về quy mô sản xuất, giá trị sản phẩm, giá trị xuất khẩu và tập quán sản xuất của người dân. Giá trị sản xuất trồng trọt năm 2019 (theo giá năm 2010) đạt 13.280 tỷ đồng chiếm 73,95% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần vào việc nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế của tỉnh. Nhờ đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, sử dụng các giống mới có chất lượng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng và phát triển được một số mô hình hợp tác, nhân rộng được các mô hình sản xuất có hiệu quả, đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; công tác phòng, chống sâu bệnh được tăng cường thực hiện nên diện tích, năng suất và sản lượng của các loại cây trồng chính ngày càng tăng.

– Chăn nuôi giữ vai trò, vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh hiện đứng thứ ba trong vùng ĐBSCL; điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội tương đối thuận lợi (khí hậu ôn hòa, ít bị ngập lũ, mặt bằng rộng, nguồn nước dồi dào, nguồn phụ phẩm nông nghiệp đa dạng, nông dân có truyền thống chăn nuôi lâu đời) nhờ đó mà chăn nuôi phát triển tương đối khá, giá trị sản xuất năm 2019 đạt 3.109 tỷ đồng chiếm 17,31% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, không ngừng gia tăng về số lượng, chất lượng và giá trị kinh tế đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, về đàn vật nuôi năm 2019: Đàn trâu, bò 211.243 con, đàn heo 192.925 con, dê 20.059 con, gia cầm 7,51 triệu con; tổng sản lượng thịt các loại đạt 74,64 ngàn tấn, trứng các loại từ 87,322 triệu quả.

– Thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp chung của tỉnh, phát triển cả trong đất liền, ven biển và trên biển về các mặt khai thác, nuôi trồng, chế biến và hậu cần dịch vụ nghề cá. Từ khi tái thành lập tỉnh đến nay, thủy sản Trà Vinh phát triển khá toàn diện cả nuôi trồng và khai thác; giá trị sản xuất thủy sản 2019 đạt 9.894 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1992-2019 đạt 16,02%/năm, chiếm 35,14% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp và chiếm 10,63% trong tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh và tạo việc làm cho khoảng 32.000 lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của một bộ phận dân cư khu nông thôn. Do là tỉnh ven biển, được bao bọc bởi 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu nên có lợi thế phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ở cả 03 vùng sinh thái (ngọt, lở và mặn) và khai thác thủy hải sản; có vị trí quan trọng đối với dịch vụ hậu cần nghề cá ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Để khai thác tốt tiềm năng về phát triển thủy sản, ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành thủy sản và triển khai mạnh mẽ các chính sách phát triển thủy sản, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường giám sát, kiểm soát con giống và dịch bệnh, đưa các con giống mới vào sản xuất, cải tiến quy trình kỹ thuật, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh mặt độ cao nên năng suất, sản lượng và chất lượng của hầu hết các loài thủy sản nuôi tăng đáng kể, đến cuối năm 2019 toàn tỉnh có tổng diện tích thả nuôi 50.754 ha (Nuôi vùng mặn lợ 47.344 lượt ha (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nghêu và các loài thủy sản khác; nuôi nước ngọt 3.410 ha (cá tra, cá lóc, cá các loại…)), sản lượng đạt 137.785 tấn, tăng hơn 6,73 lần so với năm 1992. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thai thác từng bước cơ cấu đội tàu theo hướng giảm dần tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ, tăng dần loại tàu có công suất khai thác xa bờ (trên 90CV), toàn tỉnh hiện có 1.189 tàu cá đăng ký (264 tàu có công suất từ 90 CV trở lên), với tổng công suất 145.105 CV, sản lượng khai thác đạt 81.858 tấn (Khai thác hải sản 71.745 tấn, khai thác nội đồng 10.113 tấn) tăng gần gấp 2 lần so với với khi mới tái thành lập tỉnh.

https://travinh.gov.vn/SiteFolders/snn/Nuoi_tom.jpg

– Lâm nghiệp: Tổng diện tích trồng rừng tập trung từ năm 1992 đến nay được gần 4.000 ha, nâng tổng số diện tích đất có rừng tập trung trên địa bàn tỉnh khoảng 9.200 ha; hàng năm giao khoán bảo vệ khoảng 5.000 ha, chăm sóc 500 ha; trồng cây lâm nghiệp phân tán trên 21 triệu cây, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 2,3% năm 1992 lên 3,93% năm 2019, góp phần rất lớn trong việc tái tạo lại diện tích đất rừng đã mất trồng thời gian qua, cải tạo môi trường sống, sinh sản của các loài thủy sản ven biển.

– Về nông thôn, triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đạt được kết quả quan trọng hoàn thành mục tiêu 10 năm (2010 – 2020) trước 1,5 năm; toàn tỉnh đã huy động hơn 11.530 tỷ đồng để thực hiện. Từ năm 2013, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Trà Vinh đã đổi mới công tác chỉ đạo, chuyển từ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng sang ưu tiên phát triển sản xuất, để xây dựng NTM bền vững. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tiếp tục được đầu tư làm cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn luôn đổi mới đáng kể: xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh công nhận 180.861 hộ (đạt 80,9% số phát động) và 373 ấp (chiếm 54,7%) đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 57 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 67,05% số xã) bình quân mỗi xã đạt 16,86 tiêu chí, tăng 8,16 tiêu chí so với năm 2013, 02 huyện (Tiểu Cần và Cầu Kè) đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nông nghiệp, nông thôn Trà Vinh cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo cơ chế thị trường; Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho nhu cầu thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất rất ít, chưa nhiều sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; Khô hạn, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, công tác dự báo cung, cầu yếu, giá cả bấp bênh thường xuyên diễn ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp; Việc tổ chức lại sản xuất chưa thật sự tốt, chưa liên kết thành chuỗi cung ứng sản phẩm; Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít và quy mô nhỏ nên nguồn lực cho phát triển còn hạn chế; Việc triển khai thực hiện các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, hiệu quả mang lại chưa cao; tham gia hội nhập kinh tế quốc tế của nông nghiệp tỉnh còn nhiều hạn chế.

Share:

Author: SNN Tra Vinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *