Trà Vinh: Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ thanh long ruột đỏ

Trà Vinh là tỉnh có diện tích trồng thanh long ruột đỏ lớn thứ tư trên cả nước sau tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Từ một vài hecta những năm trước, kể từ năm 2015 đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi đất trồng lúa, đất vườn tạp sang trồng thanh long ruột đỏ, nâng diện tích trồng thanh long ruột đỏ toàn tỉnh tăng mạnh.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, diện tích trồng Thanh Long của tỉnh trong năm 2017 là 136 hecta, sản lượng 3.264 tấn, tập trung tại hai huyện Càng Long và Châu Thành, trồng chủ yếu giống ruột đỏ. Tuy nhiên, tính đến quý II năm 2018, diện tích trồng thanh long ruột đỏ của tỉnh hiện đã có trên 230 hecta tăng 1,13 lần so với năm 2015 và 0,69 lần so với năm 2017, tập trung chủ yếu ở huyện Càng Long, Châu Thành và một số điểm của huyện Cầu Ngang, Cầu Kè, Tiểu Cần và Trà Cú. Trong đó riêng huyện Càng Long chiếm hơn 100ha. Năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha.

Thanh long ruột đỏ Trà Vinh vẫn gặp khó ở khâu tiêu thụ

Bên cạnh những thuận lợi, việc trồng thanh long cũng gặp nhiêu khó khăn như: Thời tiết, dịch bệnh, diện tích nhỏ lẻ, quy trình canh tác còn mắc phải những khiếm khuyết, đầu ra không ổn định, liên kết sản xuất lỏng lẻo, cơ sở hạ tầng phục vụ chưa đồng bộ (nhất là điện phục vụ cho thanh long ra trái mùa nghịch). Bên cạnh đó, người trồng thanh long của tỉnh Trà Vinh cũng đang gặp phải nhiều trở ngại như Dịch bệnh (đốm trắng, thối cành và thán thư), chi phí đầu tư cao (trên 20 triệu đồng/1.000m2) công chăm sóc lớn. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân không nên mở rộng trồng cây thanh long trên vùng quy hoạch trồng lúa chất lượng cao. Từng địa phương đều quy hoạch vùng đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khuyến cáo nông dân khi trồng thanh long cần liên kết thành tổ hợp tác hoặc tham gia vào hợp tác xã để đảm bảo về đầu ra. Bình quân để trồng 1 ha thanh long, nông dân phải đầu tư khoảng 250 triệu đồng. Với mức đầu tư khá lớn, nên nông dân cần thận trọng, tránh thiệt hại vì rơi vào tình trạng cung vượt cầu.

Về chứng nhận VietGAP cho các cơ sở sản xuất thanh long, đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có 05 cơ sở được chứng nhận, gồm: Tỉnh Tiền Giang: 3 cơ sở, tỉnh Long An: 1 cơ sở và tỉnh Đồng Tháp: 1 cơ sở. Riêng tỉnh Trà Vinh có 7 cơ sở được chứng nhận VietGAP về trồng trọt nhưng không có cơ sở VietGAP về thanh long. Tuy phát triển mạnh nhưng đa phần nhà vườn ở Trà Vinh chưa chú trọng đến việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên hiệu quả chưa cao. Đây là một trong những trở ngại lớn trong việc đẩy mạnh tiêu thụ thanh long của tỉnh, nhất là trong bối cảnh thanh long Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

Theo đó, kể từ ngày 01/4/2018, thanh long xuất khẩu chính ngạch đã bị phía Trung Quốc đưa vào danh sách trái cây của Việt Nam buộc phải áp dụng các tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên quy trình đăng ký tiêu chuẩn này không phức tạp, cũng tương tự như quy trình lấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Các thông tin bao gồm tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code (Quick response code – Mã phản hồi nhanh) hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào. Đây là khó khăn cho người trồng thanh long vì thanh long Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chủ yếu bằng đường biên mậu. Ngoài ra, thanh long Việt Nam đang vấp phải sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Đài Loan, Thái Lan và Malaysia và hàng rào kỹ thuật. Các nước như: Trung Quốc, Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng trồng thanh long khiến thanh long Việt Nam mất thế độc quyền trên các thị trường.

Vì vậy, đầu ra của thanh long ruột đỏ tại Trà Vinh gặp khó và bị thương lái ép giá (thanh long của Trà Vinh chủ yếu bán tươi qua các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long), chưa có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác về thanh long. 

Tại tỉnh Trà Vinh, có hai hợp tác xã tiêu thụ thanh long đó là hợp tác xã Thanh long Đức Mỹ (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) và hợp tác xã Vĩnh Trà (xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành). Trong đó, hợp tác xã Thanh long Đức Mỹ từng xuất khẩu sang Mỹ được 2,7 tấn (năm 2015) nhưng sau đó bị ngưng do không đủ tiêu chuẩn, chất lượng và sản lượng, còn hợp tác xã Vĩnh Trà chủ yếu bán cho thương lái tại Cần Thơ. Điều đáng ngại là hiện tại, do lợi nhuận, nên diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng những cánh đồng trồng lúa của xã Phương Thạnh, xã Bình Phú, xã Nguyệt Hóa… dần dần hoặc đã được “thanh long hóa”.

Những tháng đầu năm 2018, thanh long Trà Vinh mùa nghịch có giá bán cao nhất trong ba năm qua và được xem là “cây vàng” với mức lời sau khi “trừ chi phí lãi ròng từ 200-250 triệu đồng/hecta”.  Tuy nhiên, trong những tuần cuối tháng 9, đầu tháng 10/2018, cùng với những địa phương được coi là thủ phủ của thanh long như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, giá thanh long tại Trà Vinh cũng liên tục giảm rất mạnh, có thời điểm giá thu mua thanh long ruột đỏ giảm xuống chỉ còn quanh 5.000 đồng/kg. Tình hình thanh long mất giá, không tiêu thụ được trong thời gian gần đây là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do phía Trung Quốc giảm nhập khẩu, trong khi thanh long lại đang vào đợt thu hoạch rộ nên nguồn cung dư thừa. Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi, thanh long được mùa, diện tích thanh long trong cả nước ngày một lớn, trong đó, có những địa phương trồng vượt kế hoạch, kéo theo nguồn cung thanh long tại thị trường trong nước gia tăng.

Trong tuần cuối tháng 10,  giá thanh long ruột đỏ ở Trà Vinh đã tăng trở lại. Hiện thanh long ruột đỏ loại I  (từ 450 gram trở lên/trái) được thương lái mua với giá 37.000 đồng/kg, tăng hơn 20.000 đồng/kg so với tuần trước  do chính vụ sắp kết thúc nên sản lượng không còn nhiều. Mặc dù vậy, việc thanh long của Trà Vinh chưa được chứng nhận VietGAP và phụ thuộc vào thị trường nội địa đang kéo theo những rủi ro rất lớn cho người trồng thanh long Trà Vinh, khiến điệp khúc “trồng – chặt”, “giải cứu” rất dễ xảy ra. Năm 2015, cả nước đã phải “giải cứu” khi thanh long giá loại một chỉ còn 1.000 đồng/kg, loạt dạt 500 đồng/kg. Mức giá 10.000 đồng/3 kg cũng từng xuất hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, đã có hộ sau thời gian trồng thanh long phải chuyển sang trồng loại cây khác.

Do đó, trước thực trạng “thanh long hóa”, nếu không muốn bị “giải cứu” thì ngay từ bây giờ cần phải có giải pháp cho cây thanh long, như: Quy hoạch vùng trồng thanh long không phát triển “nóng”, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng (mà không phải mở rộng diện tích), sản xuất an toàn (đăng ký chứng nhận VietGAP), tìm hiểu yêu cầu của thị trường (trong nước, ngoài nước) để sản xuất cho phù hợp, đa dạng sản phẩm thanh long (qua chế biến) thay vì chỉ tiêu thụ trái tươi, chín như hiện nay. Ngoài ra, nhà vườn trồng thanh long nên tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất để thay đổi tập quán sản xuất và dễ tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và hướng hữu cơ sinh học, để được sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Nguồn: VITIC

Share:

Author: SNN Tra Vinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *